Vào mùa sấu, mùa dâu tằm hay mơ, chị em thường mua lấy vài cân ngâm với muối hoặc đường dùng làm nước giải khát thanh nhiệt cho cả năm. Cùng Banhran.vn điểm qua các loại quả ngâm uống giải nhiệt mùa hè tốt cho sức khỏe nhé!
Quả quất ngâm làm nước quất
Những trái quất sau khi hoàn thành nhiệm vụ là cây phúc lộc bày trong nhà ngày Tết được hái quả. Quất ngâm xuống đường có thể dùng được ngay. Vào ngày hè, khi đi nắng về, cốc nước quất ngâm mát lạnh dùng để giải khát, giúp thanh nhiệt, giải độc. Có thể dùng quất tươi vắt nước uống cũng rất ngon.
Nguyên liệu:
Quất chín, đường kính, đường phèn, muối ăn, nước lạnh.
Cách làm:
Quất rửa sạch, ngâm vào chậu nước có pha muối. Ngâm trong 15 phút, sau đó vớt quất ra rổ để thật khô nước.
Bổ quất ra làm 3 và bỏ hạt đi, sau đó cho quất và đường phèn vào nồi đảo nhẹ tay, lửa nhỏ, chưng khoảng 30-45 phút. Khi thấy đường ta hết và vỏ quất trong là được
Quả mơ ngâm đường
Những ngày tháng ba, những trái mơ chín mọng màu vàng cam được bày bán trong khắp các khu chợ. Mơ được làm thành rất nhiều món ngon như ô mai, mứt rượu mơ và nước ngâm. Hầu hết các gia đình đến mùa mơ thường mua dăm cân về ngâm để làm nước uống. Nước mơ không chỉ giải nhiệt, thơm ngon, dễ uống mà còn có tác dụng chữa bệnh, chống tình trạng mất nước của cơ thể.
Nguyên liệu:
2kg mơ chín; 2kg đường; 150g muối; hũ thuỷ tinh (chèn link) to.
Cách làm:
– Hũ thủy tinh rửa sạch, tráng nước sôi rồi để ráo.
– Sơ chế quả mơ, bỏ cuống, nhặt hết quả sâu, quả hỏng, quả xanh. Sau đó, pha loãng 1 chậu nước với 50g muối rồi sử dụng nước này để rửa sạch, vớt ra rổ, để ráo.
– Lấy tăm châm nhẹ vào từng quả mơ để mơ nhanh ngấm và có vị đậm đà hơn.
– Cho vào đáy lọ thủy tinh 1 lớp đường cùng 100g muối, rải mơ lên trên rồi lần lượt lớp mơ, lớp đường cho đến hết rồi đậy năm.
– Lưu ý, không nên để mơ kín hũ thủy tinh mà phải để cách miệng hũ khoảng 5cm để quá trình tiết nước và tan đường diễn ra nhanh hơn.
– Ngâm đến khi đường tan hết, nước mơ chuyển sang màu hổ phách là có thể sử dụng. Tuy nhiên, mơ ngâm để càng lâu càng ngon và tốt. Bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời.
Quả chanh ngâm làm nước chanh muối
Chanh là loại quả dùng trong cuộc sống hàng ngày và có quanh năm. Những ngày tháng 4, tháng 5 là mùa chanh, đâu đâu cũng thấy những trái chanh tươi, quả mọng, nhiều nước. Để ngâm chanh nên gọt vỏ mỏng, cho chanh dễ ngấm muối. Những quả chanh muối không chỉ giải nhiệt mà còn có tác dụng giải cảm và chữa ho rất tốt.
Nguyên liệu
Chanh tươi 1kg: chọn trái vừa (không chọn trái to hoặc quá nhỏ), vỏ xanh và mỏng, không chọn chanh quá già. Nếu là chanh tươi sau khi mua chanh về để khoảng 2-3 ngày cho vỏ ngả màu vàng
Muối 500gr: chọn muối biển hạt to
Phèn chua: 2 muỗng cafe có tác dụng giúp chanh có màu trắng và vỏ chanh khi muối xong sẽ giòn
Nước sôi để nguội: 1,5 lít
Hũ thủy tinh lớn (không dùng hũ nhựa vì khi phơi nắng sẽ có mùi nhựa)
Thanh tre để chặn chanh không bị nổi
Tùy theo nhu cầu ngâm nhiều hay ít mà bạn tăng giảm các nguyên liệu theo tỉ lệ tương ứng. (lưu ý bạn cần mua thêm muối và phèn chua để trà và trụng chanh)
Cách làm
Chanh rửa thật sạch, đổ muối hạt vào trà cho tới khi nào thấy muối chuyển sang màu xanh là được, mục đích để làm giảm bớt tinh dầu, làm giảm bớt vị đắng, hăng từ vỏ chanh.
Pha 1 muỗng phèn chua, 1 thìa muối hạt với nước sau đó đun sôi, thả chanh vào trần qua qua rồi vớt ra
Ngâm vào nước lạnh, sau đó dùng khăn sạch lau thật khô từng quả chanh
Hòa muối, phèn chua với nước đun sôi để nguội theo tỉ lệ 1,5 lít nước : 500gr muối, muốn biết lượng muối có đạt yêu cầu hay không bạn chỉ cần thử bằng cách thả vài hạt cơm nguội vào (hoặc quả chanh) vào nếu nổi là đạt yêu cầu về độ mặn. Sau đó, sử dụng miếng lọc để lọc sạch cặn bã của nước muối.
Hũ thủy tinh rửa sạch, lau thật khô, xếp chanh vào rồi đổ nước muối đã được lọc vào, sử dụng thanh tre gài dìm chanh xuống, đảm bảo nước luôn ngập chanh là được.
Đậy nắp thật kín, mang ra phơi nắng 1 tháng là bắt đầu dùng được nhưng để càng lâu thì càng ngon (dân gian thường để 3 năm nên gọi là chanh muối 3 năm).
Quả sấu ngâm nước sấu
Loại quả đặc sản của miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, là món quà của mùa hè trong tháng 6. Quả sấu được dùng làm mứt, ô mai, dùng trong các món ăn hàng ngày. Mùa sấu, các bà các mẹ thường mua ngâm vài lọ, sấu cũng được mua cất trong tủ lạnh ăn dần quanh năm. Nước sấu ngâm trị một số bệnh như nhiệt miệng, đau họng… Quả sấu có thể ăn sống, làm mứt hoặc đem ngâm, dầm làm nước uống.
Nguyên liệu:
1kg sấu tươi, nên chọn quả già tới, vỏ hơi sần không bị thâm hay dập; 1kg đường cát trắng, 1 củ gừng, muối.
Cách làm:
– Sấu mua về, dùng dao cạo vỏ, khứa những đường quanh quả và ngâm ngay trong thau nước muối pha loãng để sấu không bị thâm rồi rửa sạch, để ráo nước.
– Đặt một nồi nước lên bếp, đun sôi thì cho sấu vào trụng sơ khoảng 30 giây rồi trút ra ngâm với nước lạnh cho sấu nguội và được giòn. Sau đó, bạn vớt sấu ra rổ, để ráo nước. Lưu ý là không trụng sấu quá lâu sẽ làm thịt quả bị mềm
– Cho toàn bộ sấu vào một cái âu, thêm đường cát vào. Cứ 1kg sấu, bạn sẽ cho 1kg đường. Tiếp theo, dùng thìa to đảo đều cho đường phủ đều lên quả sấu rồi để qua đêm cho đường tan và ngấm vào quả sấu.
– Khi đường đã tan, vớt quả sấu cho vào hũ thủy tinh. Phần nước đường lọc bỏ cặn, cho vào nồi nấu sôi với 1 củ gừng gọt vỏ, đập dập. Bạn để nước đường nguội thì rót vào vại sấu, đậy kín nắp, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát.
– Sấu sau khi ngâm khoảng 5 ngày là có thể sử dụng. Nếu muốn quả sấu hết chát, bớt chua thì tốt nhất nên ngâm khoảng 15 ngày.
– Khi uống, múc vài quả sấu và nước đường ra cốc; rót vào một ít nước lọc, khuấy đều và nếm lại cho vừa khẩu vị rồi thêm đá viên vào thường thức.
Món sấu ngâm thành công là phần nước đường chua ngọt, quả sấu ăn giòn sần sật, không chua, ngấm đường, thơm mùi của sấu gừng vô cùng hấp dẫn vị giác.
Quả dâu tằm nước dâu tằm
Cùng với mùa mơ là mùa dâu tằm. Loại quả này khi ngâm phải rửa thật sạch và chọn quả kỹ vì trái dâu dễ bị dập nát trong quá trình vận chuyển. Dâu tằm chỉ xuất hiện khoảng 3 tuần là hết mùa. Những trái dâu chín mọng có màu đỏ đậm hoặc tím đen. Dâu tằm được dùng để làm mứt, ngâm rượu hay được ngâm đường, dùng làm nước uống quanh năm bởi có vị chua ngọt dễ chịu.
Nguyên liệu:
1 kg dâu tằm chín, 1kg đường. Nếu muốn chua hơn có thể cho tỉ lệ 1:0,7.
Cách làm:
– Để làm món si rô được thơm ngon, ngọt thì khi chọn dâu phải chọn những quả chín có màu tím sẩm, không bị dập nát, như thế dâu mới ngọt.
– Dâu tằm chín đổ vào chậu, nhẹ nhàng rửa sạch nhặt bỏ những quả dâu dập, lá cây cỏ còn sót lại. Dùng tay khoắng nhẹ nhàng.
– Rửa đến khi dưới đáy chậu không còn cát đọng. Sau đó để ráo tầm 20 phút (để lâu dâu tằm sẽ nhũn do bị ngâm nước).
– Nấu một nồi nước sôi, khi còn nóng khoảng 80 độ, dội qua rổ dâu. Cách này để giúp dâu khi ngâm lâu không bị mốc hay nổi váng.
– Chuẩn bị hộp ngâm dâu, rửa sạch phơi khô. Cứ 1 lớp dâu thì 1 lớp đường, làm thế tới hết, trên cùng bao giờ cũng rải thêm một lớp đường nữa rồi đậy kín nắp lại. Ngâm dâu 2-3 ngày cho tới khi dâu sẽ tiết ra rất nhiều nước và đường thì tan hết.
Lọc qua rây, lấy riêng nước dâu đun sôi khoảng 15 phút, để nguội thu được nước siro dâu tằm, màu rất đẹp, màu của dâu chín mận chín. Riêng bã dâu, có thể cho ít rượu vào ngâm chừng vài ngày là có ngay rượu dâu để thưởng thức.
Lưu ý:
Các chuyên gia cảnh báo, việc dùng các bình inox hay lọ nhựa lớn để ngâm nước hoa quả năm này qua năm khác như nước mơ, dâu, sấu, táo mèo….sẽ khiến axit có trong các loại quả kích thích quá trình giải phóng kim loại nặng trong inox, phản ứng với các hợp chất hóa dẻo của nhựa, tạo thành chất độc khiến người sử dụng có thể bị ung thư. Do vậy chị em nên sử dụng các loại hũ thủy tinh để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhé.
Gợi ý một số loại hũ thủy tinh an toàn cho các món trái cây ngâm:
Hũ thủy tinh nắp vặn Quattro
Hũ thủy tinh nắp cài Fido